Messi là chất xúc tác cho thành công
Trong bóng rổ, thường thì đội bóng nào có một tập thể nhiều ngôi sao sẽ nắm lợi thế. Dù vậy, cách thức hoạt động của môn thể thao này không có gì thay đổi. Chỉ một cầu thủ có thể chạm vào bóng trong một thời điểm. Bốn cầu thủ còn lại phải tìm mọi cách để giúp đội mình ghi bàn khi không có bóng.
Có hai điều rất khác nhau. Cầu thủ có bóng cần phải có khả năng vận động thật tốt để thực hiện cú ném, cầm bóng và di chuyển vào khu vực nguy hiểm trên sân hoặc chuyền cho đồng đội ở vị trí tốt. Anh ta cũng cần nắm được tất cả các đồng đội của mình đang ở đâu, dự đoán hướng chạy của họ và biết khi nào thì cần ném quả bóng đi.
Các cầu thủ không có bóng cần di chuyển nhanh và dùng cơ thể tạo ra khoảng trống cho đồng đội. Họ cũng cần biết khi nào thì nên đứng lại và chiếm giữ vị trí tại khu vực có giá trị. Nhưng điều quan trọng cuối cùng, đó là họ cũng cần tạo ra mối đe dọa về khả năng ghi bàn nếu họ sở hữu bóng.
Các đội bóng rổ hay nhất là những đội cân bằng những trách nhiệm với ít mâu thuẫn nhất có thể. Cái tên xuất sắc nhất trong lĩnh vực này là Golden State Warriors, với hai đội hình giành danh hiệu vào các năm 2017 và 2018. Đội hình của họ có nhiều cầu thủ giỏi, trong đó có hai trong số những cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu là Kevin Durran và Stephen Curry.
Về lý thuyết, họ có thể giẫm chân nhau dẫn đến việc thi đấu kém hiệu quả, bởi bất cứ khi nào một trong hai cầu thủ này có bóng, người kia không thể phát huy được hết khả năng, nhưng điều đó đã không xảy ra khi thật tình cờ, cả hai ngôi sao này đều thăng hoa nhờ khả năng di chuyển nhạy bén và ném bóng siêu hạng.
Bóng đá đôi khi thật nhàm chán. Quả bóng cứ lăn qua lăn lại mà không có gì xảy ra. Ngay cả khi một cầu thủ trình diễn một loạt pha xử lý đáng kinh ngạc hoặc tung ra một đường chuyền đẹp tuyệt, thường thì cuối cùng bóng vẫn bị phá đi và quyền sở hữu bóng thuộc về đối phương. Các đoạn highlight tổng hợp đôi khi còn thú vị hơn và giúp khán giả tránh khỏi sự thất vọng khi nhìn thấy những bàn thắng bị bỏ lỡ, những pha xử lý lỗi hay sự thiếu ăn ý giữa các cầu thủ.
Vậy điều gì tạo nên một cầu thủ bóng đá hàng đầu? Huyền thoại Johan Cruyff từng nói: “Chỉ có một quả bóng, vì thế bạn cần phải sở hữu nó”. Nhưng ông cũng nói rằng: “Thống kê cho thấy trong một trận đấu, mỗi cầu thủ chỉ có bóng trung bình 3 phút. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn sẽ làm gì trong 87 phút không có bóng trong chân? Điều đó quyết định việc bạn có phải là một cầu thủ giỏi hay không”.
Tương tự như bóng rổ, tất cả các cầu thủ bóng đá đều tạo ra kết cục của một pha tấn công bởi những gì họ làm với quả bóng, ngay cả khi các cầu thủ bóng đá không chạm bóng thường xuyên như môn bóng rổ. Chính vì vậy, có thể coi tất cả các cầu thủ bóng đá là cầu thủ có bóng, hoặc cầu thủ không bóng hoặc đâu đó giữa hai khái niệm này.
Nhà phân tích Om Arvind đã đề cập đến vấn đề này theo một cách hơi khác, nhưng theo quan điểm của ông, Messi vẫn đang ngự trị ở đỉnh cao. Ngay cả khi đã cao tuổi, trong mùa giải vừa qua, Messi vẫn xếp trên 94% các cầu thủ cùng vị trí trong 5 giải đấu lớn của châu Âu về số lượng cú sút, số lượng đường kiến tạo kỳ vọng (xA), đường chuyền tạo ra cơ hội cho đồng đội dứt điểm, đường chuyền phát động tấn công, số lần kéo bóng lên phía trước, số lần qua người thành công.
Siêu sao này đã làm tất cả những điều đó trong suốt sự nghiệp của mình. Đó là lý do tại sao anh được coi là cầu thủ vĩ đại nhất từ trước đến nay. Hai khía cạnh duy nhất ở mặt trận tấn công mà anh không nổi bật hơn so với các cầu thủ khác là tỉ lệ chạm bóng trong vòng cấm (xếp thứ 64) và số lần nhận đường chuyền (xếp thứ 24). Đây đều là những thông số bị ảnh hưởng lớn bởi những gì một cầu thủ làm trước khi họ có được bóng.
Messi vẫn có thể tạo ra ảnh hưởng đến trận đấu ngay cả khi không có bóng, bởi anh là Messi và đối thủ luôn tập trung vào những gì anh có thể làm khi có bóng. Nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng những tác động của Messi khi anh không sở hữu bóng cũng rất đáng kinh ngạc.
Những cầu thủ kém tài năng hơn và có khả năng chơi “không bóng” thành thục lại phù hợp hơn với họ, trái ngược với các ngôi sao tên tuổi. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Barcelona lại thăng hoa nhất với những cầu thủ như Pedro và David Villa hoặc Ivan Rakitic và Jordi Alba chơi bên cạnh Messi, trái ngược với Zlatan Ibrahimovic hay Cesc Fabregas. Ồ, và hãy hỏi bất kỳ NHM nào của Lakers xem thử nghiệm của Russell Westbrook đang diễn ra như thế nào.
Alexander-Arnold là nhân tố chủ chốt trong những pha bóng bổng
Luận điểm này cũng áp dụng cho tất cả các vị trí khác trên sân. Nó không thực sự phù hợp với các trung vệ, nhưng hãy nhìn vào các hậu vệ cánh của Liverpool. Trent Alexander-Arnold là hậu vệ cánh thuần túy; nhưng Liverpool đã trở nên lợi hại nhờ dồn nhiều bóng sang cánh phải cho TAA.
Đội hình của họ được cân bằng bởi Andy Robertson ở cánh đối diện, dù không phải theo cách truyền thống. Nhiều đội bóng tấn công nhiều ở một cánh, hậu vệ cánh còn lại thiên về phòng ngự, nhưng thay vào đó, Robertson khai thác khoảng trống ở hành lang trái mà mình phụ trách. Anh xếp ở phân vị thứ 90 trở lên ở vị trí của mình về số lần chạm bóng trong vòng cấm và số lần nhận đường chuyền tấn công.
Ở khu vực giữa sân, đối thủ của Liverpool là Man City, cũng đạt được sự cân bằng tương tự. Kevin De Bruyne là TAA của họ. Cầu thủ người Bỉ là trung tâm của các đường bóng, sẵn sàng tung ra cú dứt điểm và dẫn bóng lên phía trước. Nếu ghép Bruyne với một chân chuyền bóng siêu đẳng khác ở hàng tiền vệ, nhiều khả năng hiệu quả sẽ giảm như đã đề cập ở trên.
Nếu anh ta chuyền bóng, đồng nghĩa với De Bruyne không có bóng, và thế là De Bruyne phải làm những thứ mình không giỏi, trong khi tiền vệ kia thì chuyền bóng không hay bằng nhạc trưởng của The Citizens.
Thay vào đó, Pep Guardiola ghép De Bruyne với Bernardo Silva hoặc Ilkay Gundogan, hai tiền vệ hoàn thành số đường chuyền lũy tiến từ trung bình đến dưới trung bình nhưng cả hai đều xếp ở phân vị thứ 99 về số lần chạm bóng trong vòng cấm và số lần nhận đường chuyền tấn công. Họ không cần nhiều lần chạm bóng để tạo ra tác động.
Cặp bài trùng Harry Kane và Son Heung Min
Đã có rất nhiều thống kê về thành tích của bộ đôi này, và nó thường xuyên được cập nhật sau mỗi tuần. Tuy nhiên, dù Harry Kane và Son Heung-Min đã gắn bó với nhau trong suốt một thập kỷ, không ai thực sự nói về họ như một bộ đôi bá đạo đã giúp Spurs suýt chút nữa vô địch Premier League dưới thời Mauricio Pochettino. Lý do ở đây là hai cầu thủ này từng có phong cách thi đấu khá giống nhau.
Trong mùa giải 2017/18, Kane đã ghi 28 bàn thắng ( không tính phạt đền), thành tích cao nhất sự nghiệp, cùng với chỉ 2 pha kiến tạo. Anh xếp ở thứ 75 về số đường chuyền và chạm bóng trong vòng cấm. Nói cách khác, Kane tìm thấy khoảng trống ở khu vực 1/3 cuối sân, nhận đường chuyền trong đó và thực hiện rất nhiều cú sút (5,21 mỗi 90, nhiều nhất giải đấu).
Dù lý do là gặp phải chấn thương, chất lượng đội hình xung quanh sa sút hay cả hai, kể từ mùa giải đó, Kane đã dần dần chuyển từ một tiền đạo cắm thuần túy thành một cầu thủ cầm bóng.
Trong mùa giải 2017/18, Kane có trung bình 1,99 đường chuyền lũy tiến mỗi 90 phút; mùa trước, con số này thậm chí tăng lên thành 3,26 và Kane xếp trên 93% các tiền đạo khác. Chân sút 29 tuổi này đã tạo ra 0,08 xA mỗi 90 phút trong mùa giải 2017/18 và mùa giải vừa qua con số đó đã tăng lên 0,25 và khiến Kane xếp thứ 95 khi so sánh với tất cả các tiền đạo khác ở 5 giải đấu hàng đầu.
Sự thay đổi lối chơi của Kane đã kết hợp hoàn hảo với điểm mạnh của Son. Cầu thủ Hàn Quốc không cần phải giữ bóng quá nhiều. Thành thật mà nói, Son phải cầm bóng đồng nghĩa với việc anh không thể làm những gì anh xuất sắc nhất: chạy vào khoảng trống và ghi bàn bằng cả hai chân.
Trong số các tiền vệ cánh, Son xếp thứ 48 về số lượng đường chuyền thành bàn và xếp thứ 24 về những đường chuyền lên phía trước. Nhưng anh xếp thứ 81 về việc nhận đường chuyền tấn công – và sự phân bổ trách nhiệm với Kane đã tạo ra một thông số tuyệt vời trong mùa giải vừa qua: 0,69 bàn (không tính phạt đền) mỗi 90 phút, nhiều hơn bất kỳ cầu thủ chạy cánh nào khác ở châu Âu.
Haaland cầm nhiều bóng để làm gì
Hè 2021, Man City đã cố gắng ký hợp đồng với Kane. Điều đó đã không xảy ra, và năm nay họ đã đem về Erling Haaland của Borussia Dortmund. Tiền đạo người Na Uy trẻ hơn Kane bảy tuổi và về mặt lý thuyết sẽ cung cấp thêm thật nhiều bàn thắng trong nhiều năm cho The Citizens, nhưng sự khác biệt giữa Haaland và Kane không phải ở tần suất ghi bàn mà là cách hai cầu thủ này chơi bóng.
Kane đã trở thành một chân kiến tạo (nhưng vẫn có thể ghi bàn ổn định) và anh là một tiền đạo chuẩn theo nguyên mẫu của Pep Guardiola. HLV này nổi tiếng với việc luôn muốn các cầu thủ của ông đóng góp vào tất cả các khía cạnh của trận đấu.
Nhưng tân binh Haaland cho đến thời điểm này của sự nghiệp là mẫu cầu thủ trái ngược hoàn toàn với Kane. Chân sút này chỉ hoàn thành 22,39 đường chuyền mỗi 90 phút trong mùa giải này, xếp thứ 44 trong số các tiền đạo ở châu Âu mặc dù anh hiện diện trong đội hình của Dortmund luôn kiểm soát bóng vượt trội. Cách thi đấu của Haaland giống với Son hơn là Kane, từ những đường chuyền cho tới các pha đi bóng và dứt điểm trong vòng cấm.
Chính vì thế, nên xem Haaland như một sự thay thế cho Raheem Sterling (và ở mức độ thấp hơn là Gabriel Jesus) hơn là Kane. Sterling cung cấp hầu hết giá trị bằng tất cả những gì anh ta làm trước khi có bóng, và có thể Sterling sẽ kết hợp tốt với Kane.
Nếu Man City ký hợp đồng với Kane, có lẽ Sterling sẽ đóng góp nhiều hơn cho đội bóng, trong khi những cầu thủ ở vị trí tương tự như Jack Grealish, Riyad Mahrez lại không phù hợp. Nhưng Sterling và Haaland lại dễ rơi vào tình trạng dẫm chân nhau mặc dù không chơi cùng một vị trí. Man City giờ cần một mũi tấn công thứ ba để làm chất xúc tác cho các đợt tấn công. Và Grealish phù hợp với vai trò đó hơn nhiều so với Sterling hoặc Jesus.
Ở đội bóng khác cùng thành phố Manchester, việc áp dụng bộ khung này tạo ra một câu hỏi về cầu thủ xuất sắc nhất của Man United trong những mùa giải qua: Bruno Fernandes. Khi được giao vai trò là một cầu thủ cầm bóng, bạn sẽ thấy Bruno ở phân vị thứ 90 trở lên so với các cầu thủ cùng vị trí về tổng số đường chuyền, số đường chuyền lũy tiến và xA.
Nhưng bên cạnh đó, tiền vệ này cũng chỉ hoàn thành 75% số đường chuyền của mình, tương ứng với BPV 47. Ngay cả khi sở hữu bóng không hiệu quả, một đội bóng với Bruno là nhạc trưởng vẫn có thể lọt vào Top 4 Premier League. Nhưng Man United muốn trở nên tốt hơn thế, và không chắc họ có thể thành công hay không, khi bóng vẫn luân chuyển qua Bruno rất nhiều, cũng như câu hỏi về sự hiệu quả của Bruno nếu như anh không còn thường xuyên có bóng trong chân.
Ngoài vị thế phức tạp của Cristiano Ronaldo, việc ghép đôi Bruno với Jadon Sancho, một cầu thủ cũng thích cầm bóng cũng không tạo ra tác động tích cực cho hiệu suất của toàn đội. Partnow nói: “Khi một đội vượt trội về khả năng cầm bóng, đó là một kĩ năng cực kỳ quan trọng. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi, bởi ngoài việc làm thế nào để sở hữu bóng, bạn cần có những chất xúc tác cần thiết để khuấy động nó lên, nếu không thì việc cầm bóng nhiều gần như là vô nghĩa”.