Nhân dịp người dân nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đang nhộn nhịp đón Tết Bunpimay, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã phối hợp Tổng lãnh sự quán Việt Nam và Hội Người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet tổ chức thăm, khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và trao quà tặng 500 kiều bào cùng người dân hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Savannakhet.
Như Được Sống Trong Tình Thân Ruột Thịt
Ngay từ sáng sớm đã có đông đảo kiều bào và người dân Lào đến chờ tại Hội trường Hồng Bàng (huyện Kayson Phomihane, tỉnh Savannakhet) để được gặp các bác sĩ từ Việt Nam đến khám bệnh. Dù chưa từng gặp các thành viên đoàn công tác lần nào, nhưng khi vừa hội ngộ, các kiều bào đều vui vẻ, tay bắt mặt mừng như gặp lại người thân. Cuộc sống không dư dả để có thể thường xuyên về thăm quê hương, nên các kiều bào rất mừng vui đón đoàn, hỏi han tình hình đất nước và những đổi thay trên quê hương của mình.
Được người nhà đưa đến từ sớm, ngồi trên xe lăn chờ gọi tên khám bệnh, bà Lê Thị Minh Hồng (71 tuổi, quê Vũng Tàu) đưa ánh mắt hiền từ, thân thiện nhìn những đồng hương từ Việt Nam qua.
Bà kể: “Tôi sang Lào sinh sống cùng gia đình từ năm 8 tuổi, lần về Việt Nam gần nhất là năm 1990, đến nay chưa một lần có dịp trở lại thăm quê. Phần vì bệnh, đau chân, phải ngồi xe lăn, phần vì cuộc sống khó khăn, không đủ tiền để đi lại, nên chỉ biết tin tức ở quê nhà thông qua những lần gặp mặt Hội Người Việt Nam tại Savanakhet và qua những người hàng xóm có điều kiện về thăm Việt Nam kể lại”.
Chị Triệu Thị Tuyết (55 tuổi, quê Lạng Sơn) chia sẻ: “Gia đình tôi định cư ở Lào từ năm 1954. Thật xúc động khi được các bác sĩ từ Việt Nam qua thăm khám, kiểm tra sức khỏe và tặng quà Tết Lào. Tôi xúc động, cảm thấy như được sống trong tình thân ruột thịt”. Ông Nguyễn Văn Thuận (66 tuổi, quê Quảng Bình) tâm sự: “Nhiều năm nay tôi bị chứng đau bao tử và hay chóng mặt. Nghe tin có đoàn bác sĩ từ Việt Nam sang, tôi đã đến đây từ rất sớm để được khám bệnh. Trước đây, tôi cũng đã có 3 lần được đoàn bác sĩ từ Việt Nam đến khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe và cấp phát thuốc. Các bác sĩ rất ân cần và chu đáo”.
Tết Bunpimay Ấm Áp
Ông Trần Công Thịnh, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Savanakhet, cho biết: “Mặc dù bà con kiều bào ở tỉnh Savanakhet sống xa quê hương đã lâu, nhưng trong tâm thức luôn giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, hướng về quê hương bằng những việc làm thiết thực như ủng hộ đồng bào trong nước bị thiên tai, lũ lụt hay hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam… Tuy đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng kiều bào tại đây sống gần nhau, dựa vào nhau nên tình dân tộc, nghĩa đồng bào luôn thắm thiết”.
Ông Trần Sái, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Savanakhet, kể: Tỉnh Savanakhet là nơi tập trung đông dân nhất của nước CHDCND Lào. Cộng đồng người Việt Nam (có nguồn gốc xuất thân từ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam) đã sinh sống, làm ăn tại đây từ nhiều đời (hiện là thế hệ thứ 4 và thứ 5). Đa số kiều bào ở đây sinh sống bằng nghề mộc, cơ khí, làm tóc, may, buôn bán, đời sống một số hộ còn nhiều khó khăn. Hội Người Việt Nam tại tỉnh Savanakhet là mái nhà chung của cộng đồng, các thành viên chăm sóc, đùm bọc nhau như cùng một gia đình. Tết Bunpimay này bà con cảm thấy ấm lòng khi nhận được sự quan tâm từ cộng đồng người Việt Nam trong nước.
Các kiều bào được khám bệnh, cấp thuốc đợt này chủ yếu mắc các chứng bệnh cao huyết áp, thấp khớp, đau cột sống… do lao động vất vả. Tổng kinh phí cho hoạt động lần này là 600 triệu đồng, do Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM vận động tài trợ.
Ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, trưởng đoàn công tác, cho biết đây là dịp để đơn vị thăm hỏi, chúc tết kiều bào và người dân Lào ở địa phương, cùng với đoàn bác sĩ tình nguyện của TPHCM tổ chức khám bệnh, kiểm tra sức khỏe kiều bào, góp phần giúp kiều bào tiếp tục ổn định cuộc sống, làm ăn. Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM luôn là cầu nối đáng tin cậy, một “ngôi nhà chung” dành cho kiều bào khi trở về quê hương. Những món quà tuy trị giá không lớn (500.000 đồng/phần) nhưng mang đậm ý nghĩa, tình cảm tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự chân thành quan tâm chia sẻ của nhân dân TPHCM đối với đồng bào đang sinh sống ở xa quê hương đất nước.
(Nguồn: http://www.sggp.org.vn/nhip-cau-noi-yeu-thuong-voi-kieu-bao-tai-savannakhet-511881.html)